Phân loại và những tác hại của bụi
Bụi là một tập hợp nhiều hạt, có kích thước nhỏ bé tồn tại lâu trong không khí dưới dạng hạt bụi bay, bụi lắng và các hệ khí dung nhiều pha gồm hơi, khói, mù.
Các loại bụi
- Bụi bay: có kích thước từ 0,001 – 10mm (micron) bao gồm tro, bụi, khói và những hạt chất rắn được nghiền nhỏ. Về mặt sinh học, bụi này thường gây tổn thương nặng cho cơ quan hô hấp, nhất là bệnh phổi nhiễm bụi thạch anh (Silicose) do hít thở không khí có bụi oxit silic lâu ngày.
- Bụi lắng: có kích thước lớn hơn 10mm, thường rơi nhanh xuống đất. Về mặt sinh học bụi này thường gây tác hại cho da, mắt, gây nhiễm trùng, gây dị ứng....
Nguồn phát sinh: sản xuất VLXD, đúc kim loại, chế biến gỗ, nông sản, giấy.....
Phân loại bụi theo nguồn gốc:
- Bụi hữu cơ: có nguồn gốc từ động vật như lông thú, len, tóc... và có nguồn gốc thực vật như bông, gai, đay, rơm, lúa, gạo, gỗ...
- Bụi nhân tạo: bụi từ các hóa chất cao su, bụi nhựa hóa học, thuốc chữa bệnh, hóa chất trừ sâu bệnh...
- Bụi vô cơ: gồm bụi của các kim loại, khoáng chất như bụi than, thạch anh, đất đá, sắt, kẽm, đồng, chì, silic...
Phân loại theo kích thước:
- Bụi có kích thước trên 10mm là bụi thực sự, dễ lắng, không vào được phế nang và thường đọng lại ở mũi.
Bụi có kích thước từ 5 -10mm gọi là bụi cơ bản. Loại bụi này vào được phổi nhưng lại được phổi đào thải ra ngoài.
Bụi có kích thước từ 0,1 - < 5mm (mây). Loại này nguy hiểm vì nó dễ chui vào tận phế nang phổi, đọng lại gây xơ hóa phổi, chiếm tới 80 – 90%.
Bụi dưới 0,1mm như khói, không ở lại phế nang.
Phân theo tác hại của bụi:
- Bụi gây nhiễm độc chung: chì, thủy ngân, benzen...
- Bụi gây dị ứng, viêm mũi, hen, nổi ban: bụi bông, gai, phân hóa học, một số tinh dầu gỗ....
- Bụi sinh ung thư: bụi quặng và các chất phóng xạ, hợp chất crom, asen...
- Bụi gây nhiễm trùng: lông, xương tóc....
- Bụi gây xơ hóa phổi: bụi thạch anh, amiang....
Tác hại của bụi:
- Tác hại đến mắt: Gây viêm màng tiếp hợp, viêm giác mạc làm giảm thị lực. Bụi kiềm, acid gây bỏng giác mạc...
- Tác hại lên da: bụi chứa asen và hợp chất asen gây ung thư da. Bụi mang tính phóng xạ (coban, crom, uran, nhựa đường...) cũng gây ung thư da. Bụi bít lỗ chân lông gây khô da, ghẻ, hắc lào... (bụi xi măng, đất sét, cao lanh). Một số loại bụi gây kích thích da, viêm da, chàm da (bụi crôm, bụi vôi, bụi thiếc, bụi than...)
Tác hại lên đường hô hấp: Tùy theo nguồn gốc các loại bụi mà gây ra các bệnh như viêm mũi, họng, khí phế quản . Bụi hữu cơ (bông, sợi, gai, lanh...) gây viêm phù thũng, bụi cao lanh về lâu dài gây viêm loét lòng khí phế quản. Bụi vô cơ rắn, sắc nhọn gây phì đại niêm mạc mũi, về sau gây thành viêm mũi teo, giảm chức năng lọc giữ bụi, dẫn tới phát sinh bệnh phổi.
Một vài dạng bụi gây ra bệnh cụ thể:
- Bụi silic vào phổi gây bệnh bụi phổi silic. Thường gặp ở thợ mỏ, khoan đá, thợ làm sạch bằng cát, đánh bóng, mài nhẵn, làm gốm sứ... Hạt bụi kích cỡ 3mm , dạng SiO2 tự do và dạng ở nhiệt độ cao.
- Bụi silicat manhê (20-200mm ) gây bệnh bụi phổi asbest, thường thấy ở thợ mỏ và thợ chế biến asbest.
- Bụi amiăng lọt vào phổi gây bệnh bụi phổi amiăng. Bụi này gây xơ hóa phổi rất nguy hiểm, không chữa khỏi và có nguy cơ gây ung thư phổi.
- Bụi bông, len, gai, đay... gây bệnh bụi phổi bông.
- Bụi ngũ cốc, bụi chè, bụi thuốc lá, bụi gỗ, niken, crom... gây viêm mũi dị ứng, viêm mũi và bệnh hen phế quản nghề nghiệp.
- Bụi asen, hợp chất asen, crom, cacbua hydro thơm đa vòng, bụi phóng xạ gây ung thư phổi, ung thư thanh quản, phế quản...
- Bụi cadimi, clorua kẽm, hợp chất crom, măng gan... có tính chất kích thích gây viêm phế quản, khí quản, viêm phổi và phù phổi...
- Bụi acid cromic làm thủng vách ngăn mũi, viêm họng mãn, viêm đường hô hấp trên.
- Ngoài ra bụi còn mang theo vi khuẩn gây bệnh chui vào đường hô hấp gây viêm đường hô hấp trên, và gây bệnh truyền nhiễm.
Một số bệnh bụi phổi nêu trên là loại bệnh nằm trong danh mục 21 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta như : bụi phổi silic, bụi phổi asbest, bệnh nhiễm độc asen...
Các biện pháp chống bụi và đề phòng bệnh bụi phổi:
* Biện pháp kỹ thuật :
- Ngăn cản sự lan tỏa bụi bằng cách: Sử dụng cơ khí hóa và tự động hóa các quá trình sản xuất sinh bụi (VD: tự động hóa quá trình đóng bao, đổ nguyên liệu trong sản xuất xi măng, xây dựng...; vận chuyển bằng hơi, bằng máy hút, băng chuyền tự động trong ngành dệt, than...
Bao kín thiết bị và dây chuyền sản xuất: che kín máy, tạo máy hút bụi cục bộ...
Thay đổi phương pháp công nghệ: Làm sạch bằng nước thay cho bằng phun cát (VD: xưởng đúc nhà máy cơ khí), làm ẩm, khăn ướt...
Định kỳ kiểm tra nồng độ bụi tại nơi làm việc. Sử dụng hệ thống hút bụi chung trong các nhà xưởng...
* Biện pháp y học:
- Khám tuyển và khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.
- Sử dụng biện pháp phòng hộ cá nhân: quần áo, khẩu trang, mặt nạ... chống bụi.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân: không ăn uống, hút thuốc, nói chuyện... khi làm việc tại khu vực có phát sinh bụi.
Các bài khác